Quantcast
Channel: Trần Kỳ Trung
Viewing all articles
Browse latest Browse all 2

BÌNH TÂM VÀ NGHĨ - Bình luận

$
0
0

NGƯỜI DÂN ĐÀ NẴNG SẼ GHI NHỚ MÃI HÌNH ẢNH ÔNG NGUYỄN BÁ THANH

 

 

                   BÌNH TÂM VÀ NGHĨ – Bình luận

        …Đến lúc này, cho dù ông Nguyễn Bá Thanh về với đất mẹ, nhưng rất lạ, không riêng tôi mà tôi tin còn rất nhiều người dân, cán bộ ở Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng và nhiều người trong cả nước từng tiếp xúc, gặp gỡ, nói chuyện với ông, vẫn không tin ông Nguyễn Bá Thanh đã mất. Hình ảnh, giọng nói của ông vẫn hiệu hữu, nhắm mắt lại là thấy…

          Với tôi, làm sao quên được buổi tiếp chuyện của ông với BCH Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng gồm nhà thơ Ngân Vịnh, Lê Anh Dũng và tôi khi chúng tôi muốn ông, trên cương vị Chủ tịch thành phố đề nghị Sở tài chính có thể giúp một ít tiền cho Chi hội hoạt động. Hiểu rõ động cơ, mục đích  của sự trợ giúp này, ông giải quyết ngay tức thì. Buổi nói chuyện giữa ông với chúng tôi, mới đầu dự kiến chỉ mười lăm phút, về sau kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Câu cuối cùng của ông kết thúc buổi nói chuyện này , chúng tôi nhớ mãi : “ Có gì khó khăn các ông cứ nói thẳng với tui, nếu đúng, tui sẽ giải quyết. Quan trọng vẫn là tác phẩm. Giúp các ông mà các ông không viết là các ông có lỗi, tui cũng có lỗi vì tiền các ông nhận là tiền thuế của dân… phải viết nhé!”. Một lãnh đạo thành phố nói với nhà văn, nhà thơ lời gan ruột như thế, nghĩ cũng không nhiều. Sự thực bây giờ, chuyện cán bộ lãnh đạo gần dân, cứ nói nhiều, hô hào lắm, nhưng trên thực tế  chuyện đó trở thành xa xỉ, hiếm, rất khó. Vậy đối với ông Nguyễn Bá Thanh, chuyện gần dân, nói chuyện không khoảng cách, hay nói nôm na là  “dân dã” đã trở thành bình thường, ai cũng có thể gặp ông được, nói chuyện với ông được. Lại nhớ Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương tổ chức tháng 9/2012 ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh được mời đến đọc lời chào mừng. Lẽ thường, đọc lời chào mừng xong, ông có thể ra về, công việc bề bộn của vị trí người lãnh đạo cao nhất thành phố, việc đó không ai trách. Nhưng không! Ông ở lại với chúng tôi hết buổi, bắt tay người này, nói chuyện với người kia với sự chân tình, cầu thị. Tôi mời ông đến ngồi nói chuyện với một số nhà văn, nhà thơ như nhà văn Đình Kính, nhà thơ Lê Huy Mậu, nhà văn Tô Đức Chiêu…quanh một bàn ăn.  Ông Thanh liền nhận lời và nói với tôi: “ Tui đến chỉ nói chuyện Đà Nẵng thôi nhé, còn  tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đó…tui chịu”. Và cuộc nói chuyện rất vui, rất đời giữa một bên là lãnh đạo cao nhất của một thành phố với bên kia là một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam diễn ra chân tình, rôm rả, như hiểu nhau lâu, đến độ nhà thơ Lê Huy Mậu phải thốt ra một câu: “ Tay này phải làm thủ tướng mới xứng!”. Nhìn nhận ra tài năng, phong cách, đức độ của ông Nguyễn Bá Thanh… Nhân dân nhận ra rõ nhất. Tất nhiên, xung quanh chuyện của ông Nguyễn Bá Thanh không biết bao nhiêu lời đồn thổi: Nào là ông là người giàu nhất vùng! Một minh chứng, ông vừa mất đã có một bài báo viết về lời cuối cùng của ông trước lúc ra đi, mọi phí tổn chữa bệnh gia đình sẽ chịu hết khi nghe người bác sỹ điều trị cho ông có nói, phí tổn chữa bệnh sẽ chia làm ba, nhà nước, ban bảo vệ sức khỏe TW và gia đình ông Thanh. Nếu đúng ông Thanh nói thế thì gia đình ông giàu cỡ nào !!! Rồi tính cách độc đoán gia trưởng! Không phải tất cả những việc làm của ông Thanh là đúng hết! v.v…và v. v…Gần đây  trên một tờ báo mạng chính thống do nhà nước quản lý đã có một bài báo “ Nốt trầm của ông  Bá Thanh.”chỉ ra những sai lầm của ông Thanh khi còn sống điều hành công việc. Ý muốn nói, ông Thanh không phải là người hoàn hảo.

         Thử hỏi hiện nay lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam ai là người hoàn hảo!!! Ai là người không giàu có!!!

           Với lượng thông tin khổng lồ, không thể “bịt” được, nhiều điều tưởng dấu kín, cũng đã bị phanh phui. Một hình ảnh mà mấy hôm nay làm rúng động dư luận khi một tờ báo chính thống đưa hình ảnh phòng tiếp khách trang hoàng xa hoa, phô trương không phải lối như kiểu vua chúa phong kiến của ông nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nếu thử so sánh phòng tiếp khách này với phòng tiếp khách trong nhà ông Nguyễn Bá Thanh, nơi thường ngày ông Thanh hay dùng tiếp dân, ai  giàu hơn??? Tôi lại nhớ, ngày ông Nguyễn Bá Thanh còn sống, rộn tin đồn gia tài “ khủng” của ông, nhưng… đến khi ông mất, qua những lời gan ruột của con gái, con trai ông kể, tôi hiểu rằng gia tài lớn nhất của ông để lại cho con cái đó là ĐẠO LÀM NGƯỜI. Có một câu ngạn ngữ: “ Nếu đánh giá một con người, hãy nhìn vào thái độ của người dân khi người đó nằm xuống .” Đám tang của ông Nguyễn Bá Thanh có thể nói là đám tang có đông người dân đi đưa lớn nhất, lấy đi nhiều nước mắt nhất của thành phố Đà Nẵng từ năm 1975 đến nay. Trước đám tang của ông Nguyễn Bá Thanh không lâu, có một đám tang của   ông tướng công an, cũng ủy viên ban chấp hành trung ương đảng,  mất vì bạo bệnh y như ông Nguyễn Bá Thanh, tổ chức ở Hà Nội.  Nhưng đám ma của ông ấy, chúng ta hãy xem lại, dân có thương xót không??? Một đám ma đưa linh cữu từ Hà Nội về quê nhà theo nghi thức cấp cao, ai đi sau đám ma đó? Chỉ có xe của “quan”. Lại một ông nguyên trung ương ủy viên khác, khi về hưu, mới lộ ra bao nhiều điều khuất tất. Huân huy chương được trao tặng cũng man trá, ngày vào đảng cũng bị nghi ngờ, giả mạo chiến công để được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang…giờ thì ông ta sống cũng như chết, người dân không muốn nhắc!!!

        Sự độc đoán của ông Nguyễn Bá Thanh là có, nhưng sự độc đoán đó, theo tôi, đại bộ phận người dân Đà Nẵng có thể chấp nhận được. Cũng có thể có những việc làm của ông Thanh không phải là không gặp sự phản ứng, nhưng thành quả của sự “ độc đoán”  như cương quyết xóa bỏ nhà chồ dọc bờ đông sông Bạch Đằng, quy hoạch lại thành phố, xây dựng một thành phố Đà Nẵng văn minh - hiện đại, đáng sống, quan tâm, tạo công  ăn việc làm đến mọi tầng lớp dân nghèo, cơ nhỡ, những người hoàn lương… Thì không thể phủ nhận công lao “độc đoán” này của ông.

         Qua cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh, tôi nghiệm ra rằng, với cương vị người lãnh đạo không phải những việc làm của anh không có sai lầm, nhưng nhân dân rất tinh tường, nếu như những sai lầm đó anh biết phục thiện, sửa chữa, sống chết đi theo dân, làm theo ý nguyện của dân, dân sẽ tha thứ hết.

         Có một thời, ở Đà Nẵng khi ông Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch thành phố Đà Nẵng, người dân Đà Nẵng vẫn truyền tụng câu “ Trời của Thanh, đất của Thanh…”, ngầm ý muốn nói sự độc đoán và sự giàu có  của ông Nguyễn Bá Thanh. Tôi cũng tin rằng, lúc còn sống chắc chắn ông Thanh cũng đã nghe câu này, nhưng tôi tin ông không giận. Vì sao tôi nói thế? Vì những việc làm sau này của ông đã hoàn toàn phản bác câu nói trên, hay cụ thể hơn, đó chỉ là hiện tượng, bản chất không phải như vậy. Nên vậy, khi ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội nhận chức Trưởng ban nội chính TW, một ông xích lô đã làm một bài thơ tặng ông, tôi trích ra đây:

“ …Hoan hô anh Nguyễn Bá Thanh

Lãnh đạo cũng giỏi, đá banh cũng tài

Ra ngoài chẳng sợ chi ai

Chơi anh, anh chơi lại, không sứt tai cũng vỡ đầu

Quy hoạch làm tốt như xây cầu

Nhà “ chồ”  xóa sạch, thêm chầu pháo hoa

Mọi việc đều đã tính xa

Thanh tra chính phủ chẳng qua trò đùa

Đã làm quyết không chịu thua

Bá Thanh số MỘT, đừng đùa với anh.”(1)

       Với hiện tượng tưởng như”lạ” Nguyễn Bá Thanh, đặc biệt sau cái chết của ông với sự tiếc thương của hàng triệu người dân liệu có thể thức tỉnh một ai đó ngẫm nghĩ lại con đường đi của mình khi ở vị trí lãnh đạo.

         Chỉ có đi với dân, thực hiện ý nguyện của dân, đồng hành cùng dân tộc đó là chính đạo của những người lãnh đạo. Sống dân biết ơn, chết dân thờ.

         Còn không phải như thế, cho dù có nhận mình là “ thiên tài”, “thánh thần”, “ vĩ đại”… sống hay chết, nhân dân vẫn nguyền rủa.

--------------

(1) Bài thơ này đăng trong trankytrung.com. Hiện đã có hơn 1 vạn lượt người truy cập.

                                                  


Viewing all articles
Browse latest Browse all 2

Trending Articles